Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Ngỡ ngàng “khách sạn” công nhân

Qua điện thoại, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Vàng Danh Vũ Đình Việt giọng phấn khởi: Vàng Danh vừa hoàn thiện xong 2 lô “khách sạn 4 sao” cho thợ lò, đời sống anh em thợ giờ đã khác xưa rồi, mời nhà báo về thăm”.
Khu tập thể công nhân của Công ty CP than Vàng Danh đáp ứng chỗ ở cho 300 công nhân.
Khu tập thể công nhân của Công ty CP than Vàng Danh đáp ứng chỗ ở cho 300 công nhân.
Được tận mục sở thị “khách sạn 4 sao” của thợ lò Vàng Danh mà anh Vũ Đình Việt, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Vàng Danh đã khoe, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Khu 2 lô tập thể công nhân 5 tầng của thợ mỏ Vàng Danh nằm giữa trung tâm phường Vàng Danh, bên cạnh là 4 dãy nhà 3 tầng cũ của công nhân vẫn đang được duy trì sử dụng. Anh Vũ Xuân Bắc, Tổ trưởng phân xưởng phục vụ giới thiệu: 2 lô nhà chung cư có tổng diện tích 11.000m2 với 141 phòng, mỗi phòng rộng 40m2, khép kín, và chỉ có hai người ở. Mỗi tòa nhà đều có các phòng chức năng như: Thư viện, nhà ăn tập thể, hội trường công nhân, phòng y tế, sân chơi thể thao, bãi đỗ xe. Khu chung cư này đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 300 công nhân. Thợ lò có chỗ ở mới yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với công ty. Anh Bắc ngó qua cửa sổ từng phòng, thợ lò ca ba ở tầng 2 đã ngủ hết, chúng tôi tiếp tục lên tầng 3.
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu nhà, anh Bắc dí dỏm nói: Lúc trước anh em công nhân hay nói đùa nhau “ca 1 là ca tương lai, ca 3 mất ngủ, ca 2 thất tình”. Đó là lý do mà tôi không thể gõ cửa khi thợ lò ca 3 đã ngủ. Còn chuyện “thất tình” của thợ lò ca 2 thì nay cũng không trầm trọng nữa, vì anh nào có người yêu, nhất là cùng công ty thì đề đạt nguyện vọng với công đoàn sẽ được sắp xếp làm cùng ca để có thêm thời gian tìm hiểu, gần gũi nhau hơn. Mà cứ cô nào chưa chồng ở Vàng Danh là anh em quyết không để “lọt” cho trai ngoài “cướp” mất. Có lẽ vì thế mà đã có rất nhiều chàng trai đào lò bén duyên với cô gái sàng tuyển của công ty, nhiều gia đình cả 3 thế hệ đều gắn bó với sự phát triển của đơn vị. Hơn nữa, bây giờ Uông Bí có nhiều công ty đông nữ công nhân như Chi nhánh giầy Sao Vàng Uông Bí, chỉ cần bắt xe buýt đi nửa tiếng tới nơi nên “thợ lò” Vàng Danh “kết nghĩa” với các nữ công nhân Sao Vàng đông lắm, chứ không như ngày xưa, lãnh đạo công ty còn phải lo đi tìm đơn vị có nhiều nữ cho thợ lò kết nghĩa.
Đi quá nửa số tầng của chung cư, chúng tôi mới thấy âm thanh ti vi phát ra từ phòng anh Đoàn Hữu Nhẫn, hiện đang làm việc tại Phòng Điều độ sản xuất, người đã gắn bó gần 30 năm với Vàng Danh với thâm niên gần chục năm chui lò. Kể về sự đổi thay của Vàng Danh, anh khẳng định. “So với xưa, thợ lò giờ sướng gấp trăm lần”. Theo lời kể của anh Nhẫn, hồi anh mới vào thợ lò còn phải ở nhà tập thể cấp 4 diện tích chật hẹp chỉ khoảng 10m2 nhưng tới 5 anh em chui ra chui vào, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn. Phòng nào may thì lành còn không vào những ngày bão gió chỉ có xếp xô, chậu hứng mưa. Anh cũng đã từng thuê ở bên ngoài nhưng giá thuê phòng đắt, điện nước thì cao, lại không đảm bảo an ninh trật tự. Giờ được ở khu chung cư mới chỉ với giá 150.000 đồng/người cả tiền điện, nước; nội thất trong phòng được Công ty trang bị hầu hết như: Quạt, tủ, bàn ghế, quạt trần, quạt hút gió, hệ thống công trình phụ khép kín; an ninh trật tự đảm bảo vì có nhân viên bảo vệ 24/24h; các đường dây đấu nối tivi, internet, điều hòa, máy giặt đều được để chờ, để công nhân có điều kiện mua sắm sử dụng, lắp đặt… tôi thấy cứ như ở khách sạn 4 sao vậy.
Không chỉ Vàng Danh, hiện trên địa bàn tỉnh nhiều công ty của ngành Than đã xây nhà ở cho công nhân như Hà Lầm, Quang Hanh, Hòn Gai, Nam Mẫu, Hạ Long, Tổng Công ty Đông Bắc, Dương Huy, Mạo Khê, Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm… Hầu hết các khu chung cư mới xây đều có cầu thang máy, có căng tin ăn uống, sạch sẽ, dinh dưỡng đảm bảo, có nhà sinh hoạt công nhân, sân chơi thể thao, thư viện, sân chơi tập thể... Giá thuê chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng/người, có đơn vị còn không thu tiền thuê phòng như Tổng Công ty Đông Bắc; hay Công ty CP Than Cao Sơn đã bàn giao 100 căn hộ cho các hộ gia đình công nhân, với giá ưu đãi và được trả chậm 50% kinh phí. Toàn ngành hiện có 69 khu nhà ở cho công nhân với tổng diện tích khoảng 46.800m2 với 1.517 căn hộ đáp ứng được 4.827 người ở độc thân, nhà ở hộ gia đình có 1.604 căn đáp ứng được chỗ ở cho 5.234 người đã giúp cho thợ lò an cư, lạc nghiệp, gắn bó lâu dài với quê hương Vùng mỏ.
Ăn tự chọn tại nhà ăn số 8 Công ty CP Than Vàng Danh.
Ăn tự chọn tại nhà ăn số 8 Công ty CP Than Vàng Danh.
“Ăn theo nhu cầu”
Nhà ăn số 8 của Công ty CP Than Vàng Danh được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2010, có hai tầng, riêng tầng 1 đảm bảo được chỗ ăn cùng lúc cho trên 300 công nhân, phía ngoài sân có hệ thống phục vụ nước uống, giàn mắc treo đồ cho thợ lò rất tiện lợi. Quan sát thấy các bàn ăn đều đầy đủ cả hoa quả tráng miệng lẫn bia như ăn cỗ, chúng tôi thắc mắc thì thợ đào lò Nguyễn Văn Hiệp, phân xưởng K9, giếng Cánh Gà, anh ví von: Thợ lò “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”, cả ngày không thấy ánh sáng mặt trời, môi trường làm việc khắc nghiệt vậy nhưng được cái Công ty rất quan tâm tới đời sống công nhân, nhất là bữa ăn. Hiện thợ lò có mức ăn ca là 44.000 đồng và bữa ăn giữa ca dưới lò 10.000 đồng gồm bánh mì, sữa. Bữa ăn ca của thợ lò được tổ chức theo kiểu ăn tự chọn với trên 10 món, kể cả hoa quả tráng miệng. Còn bia, thỉnh thoảng anh em thợ lò vui thì tự “cải thiện” thêm 1 chai bia với giá 10.000 đồng/chai.
Đội trưởng đội sản xuất nhà ăn số 8 Công ty, Đào Trọng Đại cho biết: Do đảm bảo các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, cách nấu ăn, phục vụ, bài trí… nên năm 2012 nhà ăn Công ty đã được Vinacomin xét duyệt và công nhận là Nhà ăn kiểu mẫu.
Hiện nay nhiều đơn vị ngành Than tổ chức ăn ca cho thợ lò theo hình thức tự chọn như Tổng Công ty Đông Bắc, Hòn Gai, Núi Béo… Ăn giữa ca bằng bánh mì và sữa, hoặc cơm. Nếu ăn giữa ca bằng cơm, mỗi suất ăn được đựng trong hộp hoặc cặp lồng, trong đó có từng ngăn đựng các món ăn. Canh đóng vào túi nilon, miệng túi buộc dây chun, thò ra ống nhựa để thợ lò mút như mút nước mía vậy. Hàng ca, các chị nhà ăn chuẩn bị từng suất ăn cho vào hộp, hoặc cặp lồng, chuyển ra xe ô tô chở tới các cửa lò. Từ đây, người có trách nhiệm của phân xưởng sẽ đưa tới tận nơi làm việc cho thợ lò như Than Đồng Vông, Than Hà Ráng...
Rạng rỡ những nụ cười
Chị Vương Thị Thảo, phân xưởng phục vụ và anh Vũ Văn Đỏ có thâm niên 34 năm chui lò Vàng Danh nhớ lại: Hồi đứa con gái đầu của anh chị hai tuổi, một buổi anh Đỏ đi làm về quần áo, mặt mũi đen xì, cười để lộ mỗi hàm răng trắng ra, giơ tay định bế con thì nó khóc thét lên, chỉ đến khi anh lên tiếng nó mới nhận ra bố. Còn giờ thợ lò có thể tự tin mà rạng rỡ những nụ cười mỗi khi trở về nhà…
Thợ lò khi xưa đi làm được đưa đón trên những chiếc xe thùng đóng mui cải tiến, ra lò về tới nhà mới được tắm. Ngày mưa phùn gió bấc, thợ lò đi làm về ướt nhẹp, quần áo giăng khắp phòng. Quần áo bảo hộ một năm chỉ được phát 1 bộ có những ngày quần áo chưa kịp khô vẫn phải mặc xuống lò. Giờ thì điều kiện sinh hoạt của thợ lò được cải thiện: Đi làm thì thợ lò có dàn xe ca máy lạnh đưa đón, vào lò có tàu điện đưa xuống, lò giếng thì có tời trục kéo; tắm có nước nóng, quần áo thay có người giặt; mệt có đội ngũ bác sĩ chăm sóc; ăn thì tự chọn, xong có hoa quả, trà, sữa, cà phê tráng miệng, ẩm thực tinh thần thì không thiếu, có mỏ mỗi quý mời một đoàn nghệ thuật về diễn cho thợ lò thưởng thức… Mà không phải chỉ một mỏ, cả vùng than này, nhiều mỏ làm được như thế.
Một vị cán bộ ngành Than đã từng nói: “Người lao động không thể yêu nghề nếu đói, cũng không thể làm việc tốt hơn nếu phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn. Càng chẳng thể đòi ai hăng say nếu bản thân họ không vui. Và chúng tôi đang làm tất cả để mọi người ở đây đều có được niềm vui giản dị nhất”. Những điều giản dị mà ngành Than đem lại cho người lao động là đầu tư công nghệ khai thác, cải thiện điều kiện làm việc, học tập cho người lao động; nâng cao đời sống tinh thần, tăng cường các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao. Bởi thế mà bây giờ đi đâu trên khắp đất mỏ chúng tôi cũng bắt gặp những khẩu hiệu: như “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” hoặc “Tôi yêu Hòn Gai”... Điều đó chứng tỏ, sự quan tâm các doanh nghiệp, của ngành Than và của tỉnh Quảng Ninh cho một môi trường làm việc, sinh hoạt, tinh thần tốt nhất với người lao động. Chính vì được chăm lo chu đáo, nên dù thợ mỏ là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng hầu hết mọi công nhân đều yên tâm gắn bó với công ty, nỗ lực đóng góp công sức để làm ra nguồn “vàng đen” cho Tổ quốc. Và trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, sự chăm sóc người lao động như thế là vô cùng quý giá và đáng trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét